Ruộng lúa nhà tôi sau đợt mưa kéo dài, gió mạnh, khi trời nắng trên lá lúa xuất hiện những vệt sọc màu vàng nâu dài ngắn khác nhau chạy dọc giữa các gân lá, lá khô táp. Xin cho hỏi đó là bệnh gì? Cách phòng trừ?

Trả lời
Theo như mô tả của bác về triệu chứng, đây là bệnh đốm sọc vi khuẩn trên lúa, do vi khuẩn Xanthomonas oryzicola Fang gây ra.
Bệnh phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nhiệt độ trên 30 độ C, ẩm độ cao, đặc biệt trong điều kiện mưa nhiều (mưa nắng xen kẽ).
Giai đoạn cây lúa mẫm cảm nhất đối với bệnh là giai đoạn cuối đẻ nhánh, giai đoạn đòng cho đến khi lúa ngậm sữa.
Bệnh xuất hiện gây hại mạnh trên:
- Những chân ruộng bón phân không cân đối (bón thừa đạm, bón thúc muộn và bón phân lai rai);
- Ruộng cấy dầy, cấy to dảnh;
- Chân ruộng trũng hẩu, khô thường mất nước;
- Giống mẫm cảm đối với bệnh (lá to, mềm).
* Biện pháp phòng trừ:
Bệnh đốm sọc vi khuẩn cũng giống như bệnh bạc lá lúa hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ.
Để hạn chế sự phát sinh, phát triển của bệnh nên sử dụng biện pháp canh tác để phòng bệnh là chính
- Chọn giống nhiễm nhẹ với bệnh (giống lá nhỏ, lá cứng và đứng).
- Thâm canh cân đối: mật độ cấy hợp lý, bón phân phù hợp (bón lót sâu, nên dùng phân tổng hợp N.P.K, bón thúc sớm).
- Khi lúa bị nhiễm bệnh:
+ Ngừng bón các loại phân và thuốc kích thích sinh trưởng;
+ Bón 10-15kg/sào vôi bột giúp kìm hãm, tránh lây lan bệnh (khi bón cần rút cạn nước trong ruộng).
Ngô Thị Việt Hà – Cán bộ kỹ thuật

Một số câu hỏi thường gặp